Hoàng đế Đường_Thuận_Tông

Không may vào mùa đông năm 804, Lý Tụng bị bệnh đột quỵ sau đó trở nên liệt nửa người và không thể nói[7]. Sau đó Đức Tông cũng mắc bệnh, chư vương đều đến thỉnh an, duy lại không thấy Lý Tụng do ông đã bị liệt; do vậy Đức Tông sinh ra đau buồn làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Ngày 25 tháng 2 năm 805 (Quý Tị tháng 1 ÂL), Đức Tông băng hà. Các đại thần Trịnh NhânVệ Thứ Công được triệu vào cung thảo di chiếu. Ban đầu, các hoạn quan cho rằng thái tử có bệnh không thể nối ngôi, nhưng Vệ Thứ Công bảo thái tử tuy có bệnh nhưng là đích trưởng, lòng người đều hướng về, vả lại cũng không đến nỗi hoàn toàn bất lực. Nếu lập người khác e sẽ sinh loạn. Do đó Lý Tụng - đang bị liệt nửa người và không thể nói - được đưa lên ngôi. Ngày Giáp Ngọ (26), tuyên di chiếu ở điện Tuyên Chánh, Lý Tụng gặp mặt trăm quan. Ngày Bính Thân (28 tháng 2), Lý Tụng tức vị ở điện Thái Cực, tức là Đường Thuận Tông[20].

Thuận Tông không thể nói được, do đó không thể giải quyết tất cả công việc triều chính. Mỗi lần lâm triều đều phải ngồi sau rèm hoạn quan Lý Trung Ngôn cùng Ngưu chiêu dung đứng cạnh. Mỗi khi bách quan tâu việc gì thì Lý Trung bẩm lại với Thuận Tông. Trước đây lúc Đức Tông sắp mất, Vương Bái vào cung, xưng chiếu cho Vương Thúc Văn làm người quyết định mọi việc. Khi Thuận Tông lên ngôi thì khi có biểu dâng lên, quyền phê duyệt thuộc về Thúc Văn, Thúc Văn đưa cho Lý Trung Ngôn, sau đó Trung Ngôn thảo chiếu thư nhân danh Thuận Tông mà đưa xuống quần thần, nói là ý của Thuận Tông, bên ngoài không ai biết cả. Đến ngày Quý Mão tháng 2 ÂL, Thuận Tông mới ra gặp bách quan ở Tử Thần môn. Vương Thúc Văn và một số đại thần khác như Hàn Thái, Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích là những người thực sự nắm quyền, các quyết sách trong triều đều là ý của họ. Thúc Văn lại giao kết với Lý Trung Ngôn và Ngưu chiêu dung để tạo thêm thế lực.

Vương Thúc Văn đưa thân tín của mình là Vi Chấp Nghị làm tể tướng; và quyết định bãi bỏ một số chính sách hủ bại thời Đức Tông, bắt đầu Vĩnh Trinh duy tân

  1. Miễn thuế còn nợ cho cả nước
  2. Bãi chính sách độc quyền về muối và sắt của triều đình
  3. Nhóm đại thần Ngũ phường tiểu nhân bị bãi chức
  4. Bỏ lệ nhận đồ cống vàng bạc từ các phiên trấn bên ngoài
  5. Các đại thần bị đuổi thời Đức Tông một số được triệu về, trong đó có Lục Chí, Hàn Cao, Dương Thành, Vi Cao...

Tuy nhiên việc Vương Thúc Văn chuyên quyền khiến cho một số hoạn quan có thế lực dưới thời Đức Tông oán ghét. Bọn hoạn quan thỉnh cầu nhà vua triệu tập quần thần bàn việc lập thái tử. Lúc đó Ngưu chiêu dung oán ghét con trưởng của Thuận Tông là Quảng Lăng vương Lý Thuần (淳), đến đây, các đại thần đưa sẵn tờ chiếu có chữ ["Lập đích dĩ Trưởng"] để trình lên, Thuận Tông gật đầu. Ngày 26 tháng 4 (Quý Tị tháng 3 ÂL), Lý Thuần được lập làm thái tử, đổi tên là Thuần (純)[21].

Trong tháng 5, các tể tướng họp ở trung thư, thì Thúc Văn bước vào đòi nghị sự (mặc dù không là tể tướng). Sau đó, ngày Nhâm Dần tháng 4 ÂL, Đức Tông phong vương một số hoàng tử và hoàng đệ.. Sau Thuận Tông lên điện tuyên sắc lập thái tử, trung ngoài đều vui vẻ, nhưng Thúc Văn bắt đầu lo lắng. Sau đó, Câu Văn Trân thắng thế trong cuộc đối đầu chính trị, bãi danh hiệu Hàn Lâm học sĩ của Thúc Văn, chỉ phong thêm chức Hộ bộ thị lang; thế lực của Vương Thúc Văn giảm dần.

Trong khi đó đại thần Hoàng Thường đề xuất Vi Chấp Nghị suất quần thần thỉnh cầu thái tử giám quốc vì bệnh tình của Thuận Tông ngày một nặng nhưng Vi Chấp Nghị không theo. Vi Chấp Nghị sợ thái tử có ý chống lại mình, bèn bổ dụng Lục Chất làm Đông cung thị độc để dò xét thái tử. Tuy nhiên Lục Chất nhanh chóng bị Lý Thuần đuổi đi.

Trước tình thế bất lợi, tháng 5 ÂL, Vương Thúc Văn lập kế hoạch nắm giữ quyền kiểm soát đội quân Thần Sách do các hoạn quan cai quản bằng việc bổ dụng Phạm Hi Triều làm tướng chỉ huy lực lượng Thần Sách quân ở khu vực phía tây Trường An. Tuy nhiên đám hoạn quan đã đối phó bằng cách ra lệnh cho quân đội Thần Sách không tuân theo mệnh lệnh của Phạm Hi Triều do vậy Phạm Hi TriềuHàn Thái phải trở về Trường An. Trong lúc đó giữa Vương Thúc Văn và tể tướng Vi Chấp Nghị cũng nảy sinh bất đồng ý kiến rồi hai người trở nên ghét nhau. Thế lực của Vương Thúc Văn ngày càng suy yếu khi ông bị mất lòng các Tiết độ sứ địa phương. Mở đầu là Tiết độ sứ Tây Xuyên[22] dâng biểu lên thái tử Lý Thuần với lời lẽ khắc nghiệt, tố cáo Thúc Văn chuyên quyền làm suy bại triều cương. Tiếp đó Tiết độ sứ Kinh Nam Bùi Quân, Tiết độ sứ Hà Đông Sử Nghiêm Thụ cũng có cùng ý kiến với Vi Cao dâng biểu tố cáo Vương Thúc Văn. Phe đảng của Thúc Văn chấn động và lo sợ.

Tháng 7, mẹ của Vương Thúc Văn bị bệnh nặng[23], đáng lý Thúc Văn phải xin nghỉ về chăm sóc, nhưng lại lấy cớ phải cống hiến cho triều đình mà thoái thác. Câu Văn Trân đưa lời chì chiết, nói Thúc Văn bất hiếu. Thúc Văn không nói lại được, đến ngày 19 tháng 7 (Đinh Tị) thì đành xin nghỉ chức về nhà phụng dưỡng mẹ. Từ sau khi Thúc Văn đi khỏi, Vi Chấp Nghị bắt đầu bỏ những chính sách của Vương Thúc Văn khiến Thúc Văn rất giận và dự định trở lại nắm quyền, giết chết Vi Chấp Nghị nhưng không thể thực hiện. Vương Bái trong triều nhiều lần thỉnh cầu cho Vương Thúc Văn trở về triều và phong làm tể tướng, nhưng trước sau không được hồi đáp. Vương Bái sợ bị hại cũng lấy cớ bị đột quỵ không thể ra ngoài và xin được từ chức. Phe đảng của Thúc Văn mất quyền lực, cuộc Vĩnh Trinh duy tân cũng sắp thất bại.

Lúc này, bệnh tình của Thuận Tông ngày một nặng, không thể ra triều được nữa. Ngày 26 tháng 7 (Ất Mùi), hoạn quan ép Thuận Tông xuống chiếu phong Viên Tư và Đỗ Hoàng Thường làm đồng Tể tướng, cho Thái tử giám quốc, thay mặt Thuận Tông yết kiến bá quan ở triều đường. Ngày hôm sau, Thái tử Lý Thuần đến điện Lân Đức nghe bách quan tấu sự[24].

Ngày 31 tháng 8 (Canh Tí tháng 8 ÂL), các hoạn quan ép Thuận Tông xuống chiếu nhường ngôi cho Thái tử Lý Thuần, trở thành Đường Hiến Tông. Thuận Tông xưng là Thái thượng hoàng, mẹ của Hiến Tông là Lương đệ Vương thị được tôn phong làm Thái thượng hoàng hậu, mệnh lệnh của ông được gọi là Cáo[25]. Hôm sau, ngày 1 tháng 9 (Tân Sửu), Thượng hoàng chuyển sang ở Hưng Khánh Cung. Sau đó Vương Thúc Văn bị triều đình hạ lệnh giết chết.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Thuận_Tông http://www.sidneyluo.net/a/a16/014.htm http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%...